Có câu “Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho”. Chẳng phải tự nhiên mà các cụ lại có những ví von đầy ưu ái như thế đối với những nàng dâu lấy chồng gần nhà.

Thực tế thì dù là chồng xa hay chồng gần, đều có những mặt tích cực, tiêu cực riêng của nó. Nhưng phàm là bậc làm cha mẹ, ai ai cũng đều tâm niệm: con gái sống ở gần sẽ tiện lợi đủ đường, lại chẳng lo… mất con. Lấy chồng gần, tình cảm nhân đôi, sự quan tâm nhân đôi, đến cả vật chất cũng nhân đôi. Hơn thế, được sự hỗ trợ cùng lúc của cả hai bên nội ngoại, có nàng dâu nào lại không thấy rằng mình đang sống trong hạnh phúc.

Nhà chồng chỉ cách nhà chưa đầy 1 cây số, Phương (Vĩnh Phúc) là người hiểu tường tận những “cái nhất” của các nàng dâu lấy chồng gần. Ngay từ khi còn độc thân, Phương đã đặt ra mục tiêu rằng sẽ chỉ gật đầu ưng thuận chàng nào có nhà ở không quá phạm vi 3 km so với nhà mẹ đẻ. Nghĩ là làm, đến khi gặp một anh chàng tương đối được, lại đáp ứng đủ tiêu chí “gần nhà”, Phương nhanh chóng gật đầu cái rụp mà chẳng cần suy nghĩ lăn tăn.


“Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho” (ảnh minh họa).

Ngay từ lúc yêu, Phương đã phải công nhận “chiêu bài” tìm chồng của mình là đúng, vì nhờ có lợi thế này, cô chẳng tốn nhiều công sức lấy lòng và cảm tình của nhà chồng tương lai. “Nhà gần nên hai đứa chạy qua nhà nhau liên tục, có khi đến bữa cơm là ở lại ăn ngay chẳng chần chừ. Hay nhà có công có việc gì, chỉ cần ới nhau một tiếng, là 5 phút sau đã có mặt. Được cái bố mẹ cả hai đều quý người nên thấy con dẫn người yêu về là mừng lắm, lại thấy dâu rể nhiệt tình, nhanh nhẹn như nhau nên ngày càng mến. Từ hồi chưa cưới mà mình đã chẳng khác gì dâu con trong nhà rồi”, Phương kể.

Đến khi cưới về, nhà chồng và nhà mẹ đẻ nhiều khi Phương chẳng thấy còn bất kỳ sự phân biệt nào. Buổi sáng ngủ dậy, hôm thì hai vợ chồng đưa nhau đi ăn sáng, hôm thì mẹ chồng dậy sớm nấu nướng cho cả nhà rồi tiện thể đi chợ. Xong xuôi thì vợ đến cơ quan vợ, chồng đến cơ quan chồng. Trưa về nhà đã có mâm cơm ngon lành nóng hổi chờ sẵn, nàng dâu chỉ việc ngồi vào bàn mời bố mẹ xơi cơm.

“Nhiều khi đến cả rửa bát, mẹ chồng mình cũng tranh làm. Bà bảo bà ở nhà rảnh rỗi, làm việc nhà nhiều khi cũng là niềm vui. Bữa chiều thì hai vợ chồng hay ăn ở nhà ngoại. Bố mẹ chồng mình hay tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí của phường, gần như chiều nào cũng có hoạt động, thành ra khi mình xin phép sang nhà ngoại ăn cơm một buổi là ông bà vui vẻ đồng ý ngay. Ăn cơm nhà ngoại thì cũng chỉ lăng xăng trong bếp gọi là giúp đỡ mẹ”, Phương vui vẻ cho hay.

Đến khi có con, Phương lại càng hài lòng về sự lựa chọn của mình. Ngày vào viện sinh em bé, hai gia đình nội ngoại sốt sắng có mặt đông đủ rồi thay nhau cử người trông trực trong suốt mấy ngày Phương nằm viện. Ra viện thì hai mẹ con ở nhà nội, bà ngoại thì cứ chốc lát lại chạy sang thăm và bế cháu. Nuôi con nhỏ mà Phương nhàn tênh, chỉ việc nằm xem phim, lướt facebook và cho con bú. Toàn bộ việc nhà, nấu nướng, giặt giũ cho hai mẹ con đã có hai bà đảm nhiệm.

“Thú thực là cho đến giờ mình cảm thấy vô cùng hài lòng về cuộc sống hiện tại. Hai vợ chồng mình từ ngày cưới đến nay gần như không bao giờ to tiếng, đôi khi chỉ là cãi nhau chút chuyện vặt rồi thôi. Để được như vậy, mình nghĩ là do được ông bà hai bên hỗ trợ nhiều, cũng may là ngày ấy mình sáng suốt chọn chồng gần mà lấy”, Phương hóm hỉnh tâm sự.

Tuy không lập hẳn kế hoạch rõ ràng như Phương nhưng Hà (Thái Bình) cũng tự nhận mình thuộc nhóm những nàng dâu may mắn khi kén được chồng gần nhà. Nhà chồng và nhà đẻ chỉ cách nhau vài bước chân, hai vợ chồng cũng biết nhau từ nhỏ nên hoàn cảnh nhà nhau ra sao đều không ai cảm thấy lạ lẫm gì.

Trước ngày cưới, Hà cũng hơi lo khi thấy bạn bè kêu ca: chồng gần nhà chỉ tổ chuốc thêm rắc rối, nhất là khi trong nhà xảy ra chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Ấy vậy mà cho đến giờ đã hơn 2 năm trôi qua, phiền phức đâu chưa thấy, chỉ biết là nàng dâu mới ngày càng rạng rỡ vì cuộc sống êm ấm, đủ đầy.


Từ ngày lấy chồng, Hà mới thấm thía cái lợi của việc nhà chồng gần nhà đẻ. (ảnh minh họa)

Đúng như câu “Con gái mà lấy chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho”, từ ngày lấy chồng, Hà mới thấm thía cái lợi của việc nhà chồng gần nhà đẻ. “Hàng ngày đi chợ, tiện thì mình hay mua thức ăn sẵn cho cả hai nhà, có khi mua rồi nấu đem sang nhà mẹ đẻ một nửa để ông bà đỡ vất vả nấu nướng. Khi thì ngược lại, đến mấy ngày mình không cần phải vào bếp vì có thức ăn của nhà ngoại chuẩn bị hộ. Ban ngày thì cứ đảo qua hai nhà liên tục, nhiều khi bố mẹ ruột còn đuổi khéo về nhà chồng thì mới thôi. Hai năm lấy chồng mà gần như mình không có cảm giác đã ra khỏi nhà mấy, có khác chăng chỉ là đổi chỗ ngủ”, Hà cười ngặt nghẽo.

Một trong những “cái lợi” to lớn mà Hòa lúc nào cũng có thể tự hào trước bạn bè: hai vợ chồng chẳng cần chạy ngược chạy xuôi, long đong lật đật “ăn Tết chạy”. Chứng kiến nhiều cảnh lấy chồng xa nhà, rồi thành “một chốn bốn quê”, chưa đến Tết mà đã lo sốt vó xem năm nay ăn Tết ở đâu, đi đứng kiểu gì…, Hòa lại càng thấy mình may mắn.

“Ngày Tết, hai vợ chồng cứ thong thả làm việc rồi sắm sửa, trang trí nhà cửa. 3 ngày Tết trôi qua nhàn nhã, công việc bên nội bên ngoại đều chu toàn, vợ chồng vẫn còn có thời gian đi chơi riêng với bạn bè. Nhìn bạn bè có nhiều người mới chiều mùng 1 Tết đã vội vàng sắp xếp đồ đạc về quê vợ, quê chồng mà mình tự thấy mình sướng. Buồn cười nhất là mấy người khi trước ngăn cản, giờ lại quay ra xuýt xoa: biết thế cũng chọn chồng gần mà lấy”, Hà cười hỉ hả kể lại kỷ niệm vui.

Bạn có thể xem thêm: 

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

 
Top